“Tạo Nghiệp” Từ Thiện!
Đêm hôm ấy trăng thanh gió mát, trời tối thui – tại chưa tới giờ trăng mọc. Một vụ cướp của, bị chủ nhà phát hiện liền biến thành một vụ giết người cướp của….
Ông Đô – tên đầy đủ: Lê Ô Nát Đô, lịm dần theo sự mất đi hơi ấm của cơ thể và sự hối hận khôn nguôi.
Một ngày – ông Đô gian nan xem đồng hồ – cách nay hai mươi năm, sáu tháng lẽ ba ngày hai giờ mười lăm phút hai mươi ba giây có ba ông thầy : thầy xem tướng, thầy tính số, và thầy phong thủy rủ nhau đi phượt khắp nơi. Lúc đi ngang nông trại ông Đô thì trời đã tối nên cả ba xin được tá túc qua đêm.
Sáng hôm sau, ba thầy cùng ngỏ ý muốn đi xem âm trạch. Ông Đô vui vẻ đồng ý và đích thân dẫn các thầy đi xem. Lúc đi khá vòng vèo, xa xôi, thậm chí phải chui qua hầm, leo cầu trươt, ý lộn – cầu vượt… Nhưng đường về thì ngược lại rất gần, chẳng vòng vèo như lúc đi.
Các thầy hỏi: “Sao khi đi ông không đi đường này mà đi vòng chi cho xa ?”.
Ông Đô đáp: “Khi dẫn ba thầy ra tới cổng, tôi thấy mẹ con người hàng xóm đang mang máy gặt qua trộm lúa nhà tôi. Nếu đi đường đó, thấy tôi họ sẽ bỏ lúa mà chạy. Tôi biết vì đói nên họ mới làm vậy chứ bản tính không phải phường trộm cắp, nên muốn đi đường vòng để tránh không làm họ tủi thân.”
Nghe vậy ba ông thầy nói rằng: ngài ngũ quan đầy đủ, trán rộng hơn cằm, tóc mọc trên đầu là tướng yểu , nghèo khổ. Lại thêm mệnh triệt, thân tuần. Ba cung tam hợp mệnh, tài, quan đều không tốt, lại có số không giữ được tiền của. Thế nhưng ngài lại được chữ ĐỨC, chính ĐỨC đã và sẽ thay đổi vận mệnh của ngài.
Ông Đô mừng lắm, thế là từ đó “lấy Đức làm đầu” trở thành phương châm sống của ông. Nhưng ông nào có biết đó cũng chính là nguyên nhân bi kịch của đời ông.
Đứa trẻ hàng xóm ấy, lúc đầu cũng xấu hổ với việc mình làm. Nhưng cái gì cũng vậy, làm nhiều quen tay – được sự tiếp sức của ông Đô. Cứ khi nào nhà hết gạo, đói quá lại lân la qua ruộng ông xin ít lúa. Mãi rồi nó chẳng những không xấu hổ nữa mà còn nghĩ rằng: nhà ông Đô dư giả, chút lúa này đáng là bao, coi như là làm từ thiện giúp đỡ cho nhà nghèo như mình. Rồi dần đi vào con đường đạo tặc “cướp của nhà giàu chia cho nhà mình” lúc nào không hay.
Biết thế, ngày xưa ông đã giúp đỡ bằng cách khác – có lẽ là thuê mẹ con nhà nọ gặt lúa rồi trả công hậu, hoặc cho vay không lấy lãi vào những lúc nhà họ không có gì ăn. Hay là tạo điều kiện giúp đỡ cho nó đi học… thì mọi chuyện có lẽ đã khác. Nhưng giờ có hối hận thì cũng đã muộn màng.
Bài học ở đây là từ thiện cũng phải đúng cách – từ thiện mà sai cách, thậm chí có thể được ghi tên vào sử sách công cuộc “tạo nghiệp” trên toàn thế giới nói riêng và nước nhà nói chung đấy chứ chả phải chơi!